Những câu trả lời “ghi điểm” khi bạn là người nhảy việc quá nhiều

Những câu trả lời "ghi điểm" khi bạn là người nhảy việc quá nhiều
90% nhà tuyển dụng đều sẽ muốn biết lý do bạn rời bỏ các công ty trước đây. Đây hoàn toàn không phải là một câu hỏi dễ dàng, bạn có thể bị mất điểm trầm trọng trước nhà tuyển dụng nếu như không đưa ra được một câu trả lời tinh tế. Dưới đây là những cách giúp bạn “nói giảm nói tránh” tích cực hơn trước những nguyên nhân khiến bạn nhảy việc nhiều lần:

1. Mức lương thấp và không phù hợp

Bất kể vì nguyên nhân sâu xa nào, bạn cũng không nên đưa ra lời giải thích là bởi mức lương ở những công ty cũ tương đối thấp hoặc không phù hợp với năng lực của bạn. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá ngay khả năng cũng như mức độ yêu cầu bạn dành cho công việc. Ngoài ra, nhà tuyển dụng còn sẽ e ngại nếu như bạn làm việc chỉ vì tiền.

Trong tình huống này, bạn nên cố gắng hướng câu trả lời liên quan đến việc phát triển sự nghiệp cá nhân. Đầu tiên, hãy liệt kê nhanh những kinh nghiệm hoặc thành tích bạn có ở các công ty cũ để chứng tỏ năng lực thực tế của bạn. Sau đó, vạch ra cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã định hướng một con đường tương lai cho sự nghiệp như thế nào, và việc có được một vị trí ở công ty mới này sẽ quyết định đến kế hoạch của bạn ra sao.

2. Cấp trên không hòa hợp với bạn

“Sống chung” với sếp dường như không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng. Việc “nói xấu” cấp trên là điều không nên trong bất kì buổi phỏng vấn nào, đặc biệt là khi người phỏng vấn bạn sẽ là lãnh đạo làm việc trực tiếp với bạn sau này. Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn có khả năng thích ứng kém, thích kể lể và thậm chí biết đâu, nếu như sau này bạn rời đi, liệu người tiếp theo trong sổ đen của bạn có phải là họ?

Hãy trình bày một cách trung lập, giữ vững thái độ tôn trọng và lịch sự với cấp trên cũ của mình. Bạn có thể nói rằng bạn và cấp trên có quan điểm khác biệt trong công việc và điều này ảnh hưởng đến tiến độ của công việc. Đặc biệt, quan điểm của bạn lại đang phù hợp với tầm nhìn của công ty mà bạn đang phỏng vấn. Cuối cùng, hãy chốt lại bằng những lời nhận xét tích cực về công ty cũ, thậm chí là những điểm tốt bạn học hỏi được từ cấp trên trước đây.

Cách trả lời phỏng vấn khi bạn là người nhảy việc quá nhiều

3. Bạn chán công việc cũ

Kể lể những điểm tiêu cực ở vị trí cũ, than phiền vì bản thân không được làm những công việc đúng với chuyên môn hay bất mãn với những gì bạn phải làm thực tế ở những công ty trước rất dễ khiến nhà tuyển dụng “hiểu nhầm”. Họ sẽ đánh giá bạn là người “cả thèm chóng chán”, hoặc đứng núi này trông núi nọ. Do đó, dù thực tế bạn có bất mãn bao nhiêu với công việc cũ, đừng bao giờ dành cả giờ đồng hồ để “tố” công ty cũ trước mặt nhà tuyển dụng.

Thay vì liên tục than phiền, bạn nên nói ra một vài điểm đưa bạn đến vị trí đang tuyển này, tại sao công việc hiện tại không thích hợp và bạn mong muốn gì ở công việc mới. Bạn có thể chia sẻ về những thế mạnh hoặc khả năng phát triển của bạn có những điểm phù hợp nào với công việc được mô tả ở công ty này. Từ đó, bạn có thể bày tỏ nguyện vọng của bản thân và cho nhà tuyển dụng biết bạn khao khát học được gì và cống hiến những gì cho công ty.

4. Môi trường khó hòa đồng

Teamwork luôn là một trong những yếu tố nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu. Vì vậy, đừng dại dột mà phán với nhà tuyển dụng rằng bạn không thể hòa nhập được với môi trường làm việc cũ. Dù đồng nghiệp khó tính, kém thân thiện hay có phong cách làm việc đối lập với bạn, bạn cũng cần tránh “kể xấu” đồng nghiệp hoặc than phiền về văn hóa công ty cũ. Nhà tuyển dụng sẽ gạch tên bạn ngay nếu như bạn không có khả năng chủ động làm quen và thích ứng với mọi môi trường làm việc.

Đừng vội vàng đưa ra câu trả lời mang quan điểm tiêu cực như trên. Thay vào đó, bạn có thể nói giảm nói tránh bằng cách bày tỏ về phong cách làm việc hoặc cá tính của bạn, nhấn mạnh vào khả năng thích nghi và chủ động hòa nhập ở bạn. Tuy nhiên, hãy trình bày thẳng thắn rằng văn hóa công ty cũ không thật sự phù hợp để bạn phát triển lâu dài. Tìm kiếm một môi trường năng động và hòa hợp với bạn hơn như công ty đang phỏng vấn chính là lựa chọn tốt nhất giúp bạn bộc lộ tiềm năng của mình.

5. Bạn không có cơ hội thăng tiến

Một chiếc bẫy mà bạn dễ dàng mắc phải khác đó là trực tiếp đề cập tới việc bạn không thăng tiến được ở công ty cũ nên muốn tìm kiếm cơ hội thăng tiến ở những môi trường mới. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ “nắm thóp” được bạn và yêu cầu bạn trình bày lại ngay lí do tại sao bạn không thể thăng tiến được. Nếu không khéo léo, có thể bạn sẽ vô tình “kể tội” công ty cũ, hoặc khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về năng lực làm việc mà bạn đang có.

Hãy thành thật bày tỏ rằng bạn mong muốn phá vỡ những giới hạn của bản thân để phát huy hết khả năng của mình, điều mà bạn chưa có cơ hội làm được ở những công ty cũ. Sau đó, thể hiện nguyện vọng muốn được chinh phục công việc hiện tại bằng những kỹ năng của bạn để thu hút sự quan tâm của nhà tuyển dụng.

Mặc dù yếu tố trung thực và thẳng thắn luôn là điều quan trọng nhất khi tham gia phỏng vấn nhưng cách bạn trình bày vấn đề phải cần được trau chuốt một cách khéo léo, lịch sự. Hãy cố gắng đưa ra mọi câu trả lời một cách tích cực và khách quan nhất, hạn chế những phán xét mang tính chất chủ quan hoặc phê phán cá nhân. Quá khứ nhảy việc của bạn có thể được khép lại để bước sang một trang mới tươi sáng, lâu dài hơn. Vì vậy, đừng quá bận tâm hoặc đặt nặng chuyện cũ để rồi đánh mất cơ hội phía trước!

 

 

Nguồn : Sưu tầm

 

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin du học Nhật & thông tin việc làm, vui lòng liên hệ với chúng tôi

NipponLink Vietnam ServiceS  Co., Ltd.

Add: Room 401 – 4th Floor – Huy Phi Bld,

80-82 Truc Khe Street  – Dong Da Dist – Hanoi – Vietnam

Tel: +84.24.37741769    Fax: +84.24.37741770

Website: www.nipponlinkvn.com

Tin tức