5 DẤU HIỆU CỦA NGƯỜI NHẢY VIỆC THƯỜNG XUYÊN
Với hàng chục, đôi khi là hàng trăm ứng viên nộp hồ sơ vào một công việc đăng tuyển, bạn cần phải tìm mọi cách lành mạnh để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng để nâng cao vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, khi bạn là một người thường xuyên “nhảy” việc thì nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng cho rằng bạn bị sa thải khỏi nhiều công việc hoặc bạn không có sự yêu thích đối với bất kỳ vị trí nào.
Dù là trường hợp nào đi chăng nữa, khi họ đã nhận ra bạn là một người “nhảy” việc thường xuyên, hầu hết họ sẽ có mặc định “Đừng tuyển dụng cá nhân này dưới mọi hình thức”. Điều này đồng nghĩa với việc con đường tìm việc của bạn sẽ gặp nhiều gian nan. Vậy, bạn có phải là người hay “nhảy” việc không và làm thế nào để bạn khắc phục điều đó? Hãy xem xét vấn đề cụ thể cùng Nipponlink Vietnam nào!
Chuyển đổi công việc là một niềm đam mê của bạn
Bạn có háo hức mong chờ công việc tiếp theo của bạn mọi lúc không? Nếu chuyển từ công việc này sang công việc khác là thói quen của bạn, thì bạn chắc chắn thuộc kiểu người thích “nhảy” việc. Bạn có thể đi chơi cùng một người trong nhiều năm, nhưng khi nói đến công việc, ý tưởng gắn bó với một vị trí có vẻ là điều bạn chưa bao giờ nghĩ đến.
CV của bạn chứa đầy công việc dưới 2 năm
Đây là manh mối rõ ràng nhất cho thấy bạn là người hay “nhảy” việc. Dù lý do là vấn đề cá nhân hoặc công việc, dù có thể là hợp lý nhưng cuối cùng bạn cũng rời bỏ một vị trí chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Và với mỗi công việc bạn rời đi nhanh chóng, bạn đã cho thấy rằng mình là một nhân viên không đáng tin cậy, là người không muốn hoặc không có khả năng làm việc đó. Chỉ cần lướt qua CV và nếu nhìn thấy bạn đã trải qua 5 công việc trong 5 năm ở nhiều công ty khác nhau, bạn chắc chắn là người ưa “nhảy” việc.
Bạn tìm kiếm công việc mới vào ngày đầu tiên nhận việc mới
Mọi người luôn tìm kiếm các cơ hội tốt hơn và kiếm việc làm trên các trang web tuyển dụng không phải là điều xấu xa. Nhưng nếu bạn thấy mình làm điều này trước khi bạn ổn định chỗ ngồi tại nơi làm việc mới thì có điều gì đó không ổn. Hãy thoát khỏi các trang web đó và cố gắng cam kết với công việc một lần xem sao nhé.
Bạn cố gắng theo đuổi cho công việc lý tưởng nào đó
Nếu cố gắng chạy theo một công việc hoàn hảo nhưng lại không thể hình dung nó như thế nào, bạn chắc chắn là một người nhanh chóng chuyển sang một công việc mới trước khi có thể làm quen hết các đồng nghiệp trong công ty cũ. Bạn có thể đang tìm kiếm công việc hoàn hảo nào đó sẽ giúp phát huy các tài năng của bạn hoặc cho phép bạn đóng góp tích cực hơn nhưng dù lời bào chữa ra sao thì bạn vẫn là một người hay “nhảy” việc.
Đổ lỗi cho công ty
Đặc điểm chung nhất của những người nhảy việc là hoàn toàn đổ lỗi cho công ty cho mỗi lần chuyển việc của họ. Bạn có luôn tìm một cái cớ để bỏ việc không? Bạn có luôn hợp lý hóa với bản thân, bạn bè và nhà tuyển dụng tiềm năng rằng công việc là quá thử thách hoặc không đủ thử thách, là mức lương không phù hợp hoặc sếp hay đồng nghiệp của bạn quá khó khăn để làm việc cùng? Có hàng trăm lý do mà bạn thường xuyên sử dụng khi chắc chắn rời bỏ công việc ngay sau khi được tuyển dụng. Nếu bạn còn tiếp tục đổ lỗi mà không nhìn nhận rằng đó là quyết định của bạn để nhận việc ngay từ đầu thì bạn vẫn sẽ tiếp tục “nhảy” việc.
Nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu được đề cập thì đây là những việc bạn cần làm.
Xóa bớt các công việc trong CV không liên quan đến vị trí ứng tuyển
Cụ thể, nếu vị trí bạn ứng tuyển là chuyên viên phân tích tài chính thì công việc đầu tiên của bạn khi ra trường với tư cách là một nhân viên truyền thông không nên xuất hiện trong CV.
Hãy chắc chắn rằng CV thể hiện được sự tiến bộ nghề nghiệp
Nếu bạn có nhiều công việc nhưng tất cả chúng chỉ kéo dài một năm hoặc lâu hơn một chút, hãy chắc rằng các gạch đầu dòng trong CV sẽ cho thấy bạn đã phát triển như thế nào và kết quả đạt được cho mỗi công việc đó ra sao. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng dễ dàng chú ý vào thành tựu của bạn nhiều hơn là quan tâm đến thời gian bạn đã gắn bó ở từng vị trí.
Xem xét ở lại lâu hơn trong công việc hiện tại
Nếu bạn đã làm công việc trong vòng chưa đầy hai năm, hãy chứng tỏ rằng bạn có khả năng giữ một vị trí và đạt được kết quả đáng kể bằng cách gắn bó với nó. Nếu bản mô tả công việc yêu cầu hơn 3 năm kinh nghiệm thì điều đó không có nghĩa là ba năm kinh nghiệm được ghép từ năm công việc khác nhau. Vậy bạn có đáp ứng các tiêu chuẩn mà nhà tuyển dụng yêu cầu không? Về lý thuyết thì có. Nhưng bạn có phải là ứng viên tốt nhất? Chắc là không. Do đó, Nipponlink Vietnam khuyên bạn nên tìm ra vấn đề của mình và cố gắng ở lại lâu hơn dù là sẽ gặp một chút khó khăn, điều này sẽ có ích cho bạn về lâu dài.
Nguồn: Sưu tầm
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin việc làm, vui lòng liên hệ với chúng tôi
NipponLink Vietnam ServiceS Co., Ltd.
Add: Room 401 – 4th Floor – Huy Phi Bld,
80-82 Truc Khe Street – Dong Da Dist – Hanoi – Vietnam
Tel: +84.24.37741769 Fax: +84.24.37741770
Website: www.nipponlinkvn.com